KIẾN THỨC QUẢN TRỊ

Hiệu ứng hào quang trong Marketing và 6 Bí quyết áp dụng

Facebook
Twitter
LinkedIn

Hiệu ứng hào quang là một dạng thiên kiến nhận thức, khiến con người thường hành động vội vàng. Các Doanh nghiệp đã lợi dụng loại thiên kiến này để xây dựng các chiến dịch Marketing nhằm thúc đẩy hành vi của khách hàng. Hãy cùng Fastdo tìm hiểu kỹ hơn về hiệu ứng hào quang và cách áp dụng hiệu quả trong Marketing nhé!

1. Tổng quan về hiệu ứng hào quang

Hiệu ứng hào quang là một dạng thiên vị nhận thức, thể hiện qua việc con người sử dụng những ấn tượng tổng thể để đánh giá toàn bộ về một người dù chưa tiếp cận các khía cạnh khác của họ. Loại thiên vị này xảy ra khi não bộ hình thành ấn tượng về một điều gì đó và mọi người thường cố gắng để bảo vệ rằng ấn tượng đó là đúng. 

Tương phản với hiệu ứng hào quang là hiệu ứng ác quỷ. Nếu như hào quang là những ấn tượng tốt đẹp thì hiệu ứng ác quỷ bắt nguồn từ những ấn tượng xấu. Ấn tượng xấu từ lần đầu gặp mặt sẽ kéo theo những thành kiến không tốt về sau.

1.1 Sự ra đời của khái niệm hiệu ứng hào quang

Hiệu ứng hào quang (Halo Effect) được phát hiện bởi nhà tâm lý học Edward Thorndike vào năm 1920. Ông đã thực hiện một thử nghiệm với các chỉ huy trong quân đội để kiểm chứng định nghĩa này. Theo đó, các cán bộ chỉ huy sẽ tiến hành đánh giá cấp dưới dựa vào các tiêu chí: ngoại hình, trí thông minh, năng lực lãnh đạo, lòng trung thành, sự tín nhiệm..

Qua cuộc thí nghiệm này, Edward Thorndike nhận ra, người nào được đánh giá cao về một vài phẩm chất nào đó sẽ kéo theo thiện cảm về các phẩm chất khác. Điều này cho thấy, cách nhìn nhận của con người thường chịu tác động của những ấn tượng ban đầu. Nghĩa là, một vài phẩm chất tốt đẹp có thể kéo theo thiện cảm và lòng tin với tổng thể.

hào quang
Edward Thorndike – người tìm ra hiệu ứng hào quang

1.2 Hiệu ứng hào quang trong Marketing

Hiệu ứng hào quang được nhiều Doanh nghiệp áp dụng vào các chiến dịch Marketing nhằm mục đích nâng cao giá trị thương hiệu của mình. Có rất nhiều hình thức để tận dụng những lợi thế của loại thiên kiến nhận thức này vào các chiến dịch tiếp thị như: sử dụng hình ảnh người nổi tiếng, “dựa hơi” các thương hiệu nổi tiếng khác,…

Tác động của hiệu ứng hào quang sẽ tạo nên sự tin tưởng của khách hàng đối với thương hiệu. Khi đấy, họ sẽ có xu hướng cảm nhận tích cực về những trải nghiệm mà sản phẩm. Đối với những sai sót, khách hàng cũng sẽ dễ dàng tha thứ hơn bởi thiên kiến hào quang về thương hiệu lớn hơn. Đây chính là lợi thế của hiệu ứng hào quang trong marketing.

1.3 Một số ví dụ về hiệu ứng hào quang

Trong cuộc sống hàng ngày, bạn có thể bắt gặp hoặc tự mình tạo ra rất nhiều tình huống có sự tác động bởi hiệu ứng hào quang. Sau đây, Fastdo sẽ giới thiệu đến bạn một số ví dụ về loại thiên kiến nhận thức này như sau:

  • Thành viên Lisa của nhóm nhạc BLACKPINK nổi tiếng không chỉ nhờ tài năng mà còn bởi vẻ ngoài xinh đẹp. Cô hiện đang là đại sứ của BVLGARI – Thương hiệu thời trang phụ kiện đá quý cao cấp của Italia. Bất cứ item nào được Lisa diện lên người đều nhanh chóng “cháy hàng” và mang về doanh thu “khủng” cho thương hiệu.
  • Ngày nay, mọi người rất quan tâm đến các sản phẩm có gắn nhãn “organic – hữu cơ” vì nhận thức về việc bảo vệ sức khỏe ngày càng cao. Chính vì điều đó, bất cứ sản phẩm nào có gắn mác “organic” đều được bán rất chạy dù sở hữu mức giá cao hơn.
  • Người hướng ngoại luôn tạo ấn tượng với mọi người bởi sự nhanh nhẹn, hoạt bát và khéo léo trong mọi vấn đề trong cuộc sống. Chính vì điều đó, họ luôn được mọi người nhận định sẽ “gặt hái” được nhiều thành công hơn so với người hướng nội – vốn được ấn định với sự nhút nhát, khép kín, ngại giao tiếp.

>>> ĐỌC THÊM: 13 thủ thuật FOMO Marketing giúp nâng cao hiệu quả bán hàng

2. Bản chất của hiệu ứng hào quang trong Marketing

Chất liệu tạo nên hiệu ứng hào quang là các thế mạnh của Doanh nghiệp, ví dụ như cách làm việc chuyên nghiệp, sự vượt trội của sản phẩm,… Các Doanh nghiệp đầu tư vào các chiến dịch tiếp thị, quảng bá sản phẩm dựa trên những ưu điểm đó. Từ đó, tần suất xuất hiện của công ty dày đặc hơn, kéo theo sự tăng trưởng về giá trị thương hiệu và tài sản.

Những phản hồi tốt về sản phẩm, dịch vụ mà Doanh nghiệp quảng bá sẽ tạo nên những hiệu ứng tích cực trong cộng đồng người dùng. Điều đó giúp khách hàng có nhận thức tốt về sản phẩm, sau đó chuyển hóa thành hành vi mua hàng. Họ tin rằng, một Doanh nghiệp đã có những hình ảnh tốt đẹp đầu tiên thì các khía cạnh còn lại cũng toàn diện. 

Ứng dụng hiệu ứng hào quang giúp lan tỏa sản phẩm mạnh mẽ, thu hút càng nhiều khách hàng quan tâm và nhớ đến Doanh nghiệp. Các Doanh nghiệp thường sử dụng hiệu ứng này một cách khéo léo để đưa thương hiệu mình dẫn đầu. Qua đó, khi một sản phẩm thành công sẽ kéo theo sự đón nhận tích cực của khách hàng đến các sản phẩm còn lại. 

hào quang
Bản chất của hiệu ứng hào quang trong Marketing là gì?

3. 6 Bí quyết ứng dụng hiệu ứng hào quang trong Marketing hiệu quả

Để gia tăng hiệu quả của các chiến dịch Marketing, bạn có thể áp dụng 6 bí quyết sau đây:

3.1 Sử dụng hiệu ứng từ người nổi tiếng

Các Doanh nghiệp hiện nay thường sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm. Tuy họ chỉ xuất hiện vài giây trong quảng cáo nhưng đã tạo hiệu ứng hào quang mạnh mẽ. Bởi vì, họ là những người có hình ảnh đẹp trong mắt công chúng. Người  dùng tin rằng, sản phẩm được người nổi tiếng sử dụng hoặc đại diện chắc chắn chất lượng!

hào quang
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên và thương hiệu mì đế vương Kokomi

Trong thời gian gần đây, hoa hậu Thùy Tiên là một trong những tên tuổi có sức ảnh hưởng lớn nhất. Độ nổi tiếng của cô bao phủ khắp các trang thông tin truyền thông trong nước lẫn quốc tế. Vì vậy, nhiều nhãn hàng đã tìm đến Thùy Tiên và ký hợp đồng quảng cáo. Trong đó có Kokomi, hình ảnh Thùy Tiên được in trên thùng mỳ, bao bì sản phẩm. 

Các phiên bản mỳ Kokomi sử dụng hình ảnh của Thùy Tiên liên tục “cháy hàng” trong thời gian đầu. Người hâm mộ săn các gói mỳ có in hình cô và check-in liên tục trên các nhóm sắc đẹp. Không những thế, Thùy Tiên còn mang một thùng Kokomi có in hình mình sang Thái Lan để biếu cho tổ chức MGO và được truyền thông nước bạn rất quan tâm.

>>> ĐỌC NGAY: Marketing Automation là gì? Hướng dẫn đơn giản về M.A từ A-Z

3.2 Phát triển một sản phẩm làm “đòn bẩy”

Các Doanh nghiệp xác định sản phẩm trọng tâm và tập trung nâng cao chất lượng. Khi sản phẩm đạt đến đỉnh cao thì mới tiến hành Marketing. Cách làm này giúp Doanh nghiệp tiếp kiệm kha khá chi phí, so với việc phải thuê KOL hay người nổi tiếng đại diện thương hiệu.

Chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng tạo nên sự trung thành ở khách hàng. Thay vì chi quá nhiều tiền cho KOLs, người nổi tiếng,… lựa chọn một sản phẩm tiên phong và đầu tư chất lượng tuyệt đối vào nó sẽ là “đòn bẩy” tốt nhất giúp khách hàng tin tưởng và lựa chọn quay lại với Doanh nghiệp.

Dần dần, thứ khách hàng thấy được không chỉ là một sản phẩm phổ biến của nhãn hàng đó, mà còn là cả một kho hàng đồ sộ phía sau. Hiệu ứng hào quang từ sản phẩm đi tiên phong giúp khách hàng tin rằng, chỉ cần một sản phẩm tốt thì toàn bộ sản phẩm thuộc thương hiệu cũng có chất lượng tương tự. 

hào quang
Hiệu ứng hào quang từ dao cạo râu đã giúp Gillete bán chạy các sản phẩm khác cùng thương hiệu

Ví dụ như thương hiệu Gillette với dòng sản phẩm dao cạo râu. Họ đã cải tiến với những ưu điểm vượt trội, đáp ứng nhu cầu của phái mạnh. Sau đó, họ tiến hành chiến lược Marketing bằng các TVC quảng cáo về sản  phẩm. Kết quả, Gillette chiếm hơn 70% thị phần dao cao, được định giá hơn 19 tỷ, xếp thứ 39 top các thương hiệu giá trị nhất. 

Hiệu ứng hào quang từ dòng sản phẩm dao cạo râu đã tạo nên doanh số tích cực đến các sản phẩm khác. Các mặt hàng như kem cạo râu, dầu gội đầu, bàn chải B Oral cũng được cộng đồng đón nhận mạnh mẽ, bởi chúng đều gắn mác Gillette. 

3.3 Hình thức, bao bì sản phẩm thu hút người tiêu dùng

Theo nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng, khi một sản phẩm không có các thông tin mô tả, đánh giá về công năng, hoặc sự ra đời liên tục của các sản phẩm cạnh tranh mới thì yếu tố thu hút khách hàng chính là hình thức về bao bì và quảng cáo sản phẩm. Đây là lý do vì sao các nhãn hàng thường đầu tư thiết kế bao bì và TVC lung linh nhất có thể.

Hạn chế của phương pháp này chính là gây cho khách hàng sự thất vọng khi so sánh giữa hình ảnh thực tế khi nhận hàng với những gì xem trên quảng cáo. Một ví dụ phổ biến nhất chính là hình ảnh quảng cáo của những bát mỳ ăn liền nóng hổi, đầy ắp rau củ, hải sản trên TVC. Trong thực tế, một gói mỳ chỉ bao gồm một vắt mỳ khô với vài gói gia vị.

Hiệu ứng hào quang không chỉ dừng lại ở việc đầu tư chỉn chu vào bao bì sản phẩm, mà còn cần phải thực hiện các hình thức quảng cáo một cách đều đặn, khéo léo. Tần suất xuất hiện của các video quảng cáo TVC vào khung giờ vàng càng nhiều hay tại các trung tâm thương mại đều có banner sản phẩm sẽ làm gia tăng sự uy tín của thương hiệu. 

>>> ĐỌC TIẾP: Pain point là gì? 4 cách xác định pain point của khách hàng

3.4 Sử dụng các giải thưởng, giấy chứng nhận để tạo dựng uy tín

Một cách áp dụng hiệu ứng hào quang khác mà các Doanh ng hiệp thường sử dụng là danh tiếng từ các chứng nhận, giải thưởng cho sản phẩm của họ. Những chứng nhận, giải thưởng này sẽ tạo nên được sự uy tín cho Doanh nghiệp. Từ đó, khách hàng sẽ tin tưởng và lựa chọn sản phẩm của Doanh nghiệp nhiều hơn.

Mặt trái của cách làm này là nếu Doanh nghiệp nào sản xuất sản phẩm với mục đích lừa đảo thì hiệu ứng hào quang này sẽ khiến người tiêu dùng thiệt thòi. Nhưng không thể phủ nhận rằng, các loại giấy chứng nhận vô hình chung đã tỏa ra “hào quang”, giúp người tiêu dùng có cái nhìn tích cực, cũng như niềm tin tuyệt đối với toàn bộ sản phẩm còn lại. 

3.5 Dựa vào “hào quang” của các thương hiệu nổi tiếng

Trong Marketing, bạn hẳn không lạ gì đến việc “dựa hơi” của nhiều thương hiệu. Tức là những thương hiệu ra đời, sau đó nổi tiếng nhờ vào việc “ăn theo” thành công của các thương hiệu đi trước. Hiệu ứng hào quang này giúp các thương hiệu “ăn theo” chiếm được cảm tình của người dùng, thu hút khách hàng tiềm năng. 

Ví dụ: Hãng mỹ phẩm N.Y.X được biết đến là một thương hiệu chuyên sản xuất các sản phẩm dupe (bản sao) chất lượng cao của thương hiệu đình đám Kylie Cosmetics. Sau những đợt “cháy hàng” của Kylie Cosmetics, N.Y.X đã gửi thư đến các khách hàng để giới thiệu về những thỏi son dupe y hệt Kylie Cosmetics do N.Y.X sản xuất.

Dù “dựa hơi” vào Kylie, N.Y.X đã xây dựng được sự uy tín cho thương hiệu với những sản phẩm thực sự tốt thay vì là một bản sao thua kém. Do đó, dù Kylie mới là thương hiệu đưa dòng son liquid lipstick thành xu hướng nhưng N.Y.X mới là cái tên dẫn đầu trong các kết quả tìm kiếm về dòng son này. 

hào quang
N.Y.X dựa vào “hào quang” của thương hiệu Kylie Cosmetics để quảng bá cho sản phẩm của mình

3.6 Được nhắc đến nhiều bởi các trang thông tin điện tử

Các trang thông tin điện tử là một mảnh đất màu mỡ để Doanh nghiệp tận dụng và xây dựng hiệu ứng hào quang cho sản phẩm của mình. Theo đó, các trang thông tin sẽ viết bài đề cao các ưu điểm nổi bật của sản phẩm. Khi người dùng đọc được những đánh giá tích cực ấy, họ tự khắc sẽ có thiện cảm, kích thích hành vi mua hàng. 

Ví dụ như Cocoon, đây là thương hiệu mỹ phẩm thuần chay đầu tiên của Việt Nam. Ngay từ khi ra đời, các trang thông tin điện tử đã có nhiều bài ca ngợi về ưu điểm vượt trội của Cocoon. Đọc được những phản hồi tích cực ấy, các tín đồ làm đẹp sẽ tò mò, tìm hiểu và đưa Cocoon vào bộ sưu tập mỹ phẩm chăm sóc da, tóc… của mình. 

hiệu ứng hào quang
Kênh 14 đưa tin về dòng mỹ phẩm thuần chay Cocoon của Việt Nam

4. Nhận định về việc áp dụng hiệu ứng hào quang trong Marketing

Việc áp dụng hiệu ứng hào quang trong Marketing cần được thực hiện một cách có chọn lọc. Sau đây là những tác động có thể xảy đến khi bạn tận dụng loại thiên kiến nhận thức này vào trong các hoạt động Marketing của Doanh nghiệp mình:

4.1 Những tác động tích cực

Hiểu về thế mạnh của sản phẩm, kết hợp với hiệu ứng hào quang sẽ giúp Doanh nghiệp đưa ra các chiến lược phát triển đúng đắn. Ví dụ như Louis Vuitton đã lựa chọn BTS làm đại sứ thương hiệu toàn cầu. Sau vài giờ công bố, các bài đăng trên Twitter và Instagram đã đạt hơn 500.000 lượt yêu thích, giá trị truyền thông lên đến 436.000 USD.

Sử dụng hiệu ứng này đúng cách sẽ giúp tạo dựng lòng trung thành của người tiêu dùng và khiến sản phẩm càng phát triển mạnh mẽ hơn. Bởi vì, khi người dùng đã có thiện cảm về sản phẩm của thương hiệu nào đó, bộ não họ sẽ có xu hướng bào chữa cho những sai lầm nhỏ nhặt. 

Nói chung, các Doanh nghiệp chỉ cần làm tốt việc quảng bá một ưu điểm của thương hiệu. Sau đó, hiệu ứng hào quang sẽ thực hiện những điều còn lại, tức nó sẽ giúp tăng điểm thiện cảm của người dùng đối với các yếu tố tổng thể khác. Đây chính là lợi thế lớn giúp tạo dựng hình ảnh thương hiệu tốt đẹp, nếu bạn vận dụng đúng cách. 

hào quang
BTS trở thành đại sứ thương hiệu cho Louis Vuitton

4.2 Những tác động tiêu cực

Hiệu ứng hào quang là một loại thiên vị nhận thức. Điều này dẫn đến việc nếu chúng ta bị hiệu ứng này tác động, chúng ta không thể nhìn ra được bản chất của vấn đề, dẫn đến những lầm tưởng sai lệch. 

Hiểu đơn giản, một khi não bộ nhận định cái gì là đúng, thì sẽ luôn cố chấp với những đánh giá ban đầu, cho dù sản phẩm đó không thật sự tốt. Nhìn xa hơn, nếu hàng trăm hàng nghìn người đều có những nhận thức sai lầm do chịu tác động bởi hiệu ứng hào quang, chắc chắn sẽ là ảnh hưởng lớn đến xã hội. 

Trong thực tế, người tiêu dùng Việt Nam có thói quen tin tưởng gần như tuyệt đối vào các nghệ sĩ. Do đó, sản phẩm do các nghệ sĩ quảng cáo trên mạng xã hội, dù chất lượng rất kém vẫn được người hâm mộ đón nhận. Hiệu ứng hào quang này đã lợi dụng niềm tin, sự yêu thích của người hâm mộ với giới nghệ sĩ để truyền bá sản phẩm kém chất lượng. 

hào quang
Sử dụng hào quang của người nổi tiếng để quảng cáo cho các sản phẩm kém chất lượng

4.3 Không nên lạm dụng hiệu ứng hào quang trong Marketing

Hiệu ứng hào quang chỉ thật sự mang lại hiệu quả nếu Doanh nghiệp sử dụng phù hợp. Nếu lựa chọn người nổi tiếng để quảng bá cho sản phẩm, các nhãn hàng nên chọn các gương mặt có danh tiếng tốt, không scandal thì mới có hiệu quả. Chọn những gương mặt tai tiếng có thể khiến người dùng phản ứng tiêu cực về sản phẩm, thậm chí là tẩy chay.

Việc seeding cũng vậy, Doanh nghiệp không nên lạm dụng quá nhiều. Seeding nhiều khiến người tiêu dùng cảm thấy không chân thật, dẫn đến phản ứng bài xích từ khách hàng. Vì thế, muốn áp dụng hiệu ứng hào quang, bạn phải thật sự khéo léo và kỹ càng trong khâu lên chiến lược, cũng như hình thức thực hiện. 

Hiệu ứng hào quang khéo léo trong Marketing giúp Doanh nghiệp tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng hiệu ứng này vì nó dễ dẫn đến những tác dụng ngược. Hy vọng bài viết này của Fastdo đã giúp bạn hiểu rõ hơn về Hiệu ứng hào quang trong Marketing và 6 bí quyết áp dụng hiệu ứng này hiệu quả nhất.

>>> ĐỌC THÊM CÁC BÀI VIẾT KHÁC:

Rate this post
Picture of Nguyễn Như Quân
Nguyễn Như Quân
Xin chào! Tôi là Như Quân - Trưởng phòng Marketing của Fastdo. Chỉ có tại Blog của Fastdo.vn, mọi bài viết đều được hệ thống hoá bởi những thông tin mà Quân đã dành thời gian & nỗ lực hết mình để chắt lọc từ những nguồn đã kiểm chứng để mạng lại giá trị tối đa cho các độc giả. Hãy follow Fastdo, tôi đảm bảo bạn sẽ không còn bị bội thực thông tin trong thế giới rộng lớn này.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết có liên quan

Chủ đề được quan tâm

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Zalo phone messager
Liên hệ qua số điện thoại

Gọi ngay

Liên hệ qua messager

Facebook Chat

Liên hệ qua zalo

Zalo Chat